Bản chất của coaching là giúp nhân viên thay đổi hành vi theo chiều hướng tích cực, từ đó đạt mục tiêu công việc. Tuy nhiên, không phải nhà quản lý nào cũng biết cách huấn luyện và kèm cặp nhân viên đúng cách. Và 5 mô hình huấn luyện được đề cập trong bài viết, sẽ giúp bạn làm tốt nhiệm vụ này.
Nội dung bài viết:
Mô hình huấn luyện nhân viên (coaching frameworks) là gì?
Coaching hay huấn luyện là quá trình tương tác 1-1 giữa quản lý và nhân viên, nhằm giúp cấp dưới tìm ra cách giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, nhà quản lý cần sử dụng các phương pháp huấn luyện hay các công cụ để tương tác hiệu quả.
Cụ thể, mô hình huấn luyện (coaching frameworks) là các tiêu chuẩn đã được thiết lập nhằm giúp nhà quản lý dẫn dắt câu chuyện đúng cách. Phương pháp này giúp cả người được huấn luyện (nhân viên) và huấn luyện viên (quản lý) có cùng quan điểm, đo lường sự tiến bộ và đảm bảo đôi bên đạt được kết quả mong muốn.
Có rất nhiều mô hình huấn luyện được sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhà quản lý có thể tham khảo, đồng thời thực hành ngay tại đội nhóm để tìm ra phương pháp huấn luyện phù hợp nhất với bản thân. Dưới đây là 5 coaching framework phổ biến nhất hiện nay.
1. Mô hình huấn luyện nhân viên GROW
Mô hình GROW trong coaching được sáng tạo bởi Sir John Whitmore, là một trong những người tiên phong trong lĩnh vực huấn luyện chuyên nghiệp. Ông là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Coaching for Performance”, trong đó đã giới thiệu mô hình này.
Để áp dụng GROW trong coaching, nhà quản lý thể đặt câu hỏi cho nhân viên theo 4 bước:
Goal: Mục tiêu bạn muốn đạt sau cuộc trò chuyện này là gì? Lưu ý, mục tiêu này cần SMART.
Reality: Tình hình hiện tại như thế nào? Bạn đang gặp khó khăn gì?
Options: Theo bạn, đâu là giải pháp tốt nhất? Bạn đã tham khảo các giải pháp này từ đâu?
Will: Cụ thể, bạn sẽ hành động gì để giải quyết vấn đề? Bạn cần sự hỗ trợ gì?
2. Mô hình huấn luyện nhân viên OSKAR
Mô hình huấn luyện OSKAR được sáng tạo bởi chuyên gian huấn luyện người Anh – Mark McKergow và Paul Jackson. Mô hình này đặt trọng tâm vào các điểm mạnh và khả năng của nhân viên. Đồng thời, OSKAR là mô hình huấn luyện phổ biến, cho phép chúng ta tập trung tìm ra giải pháp thay vì bản thân vấn đề.
Cụ thể, OSKAR là từ viết tắt của 5 bước:
Outcome or objective: Bạn mong muốn đạt được kết quả gì sau huấn luyện?
Scale: Trên thang điểm từ 1 – 10, bạn cảm thấy bản thân đạt được mức nào?
Know-how/Choices: Theo bạn, cần phát triển kỹ năng gì, hoặc hành động nào để đạt được 10 điểm?
Affirm & Action: Vậy cụ thể, hiện tại bạn sẽ làm gì? Và khi nào hoàn thành?
Review: Dựa trên những gì bạn đạt được, đâu là điều tốt nhất? Chúng ta có cần điều chỉnh chiến lược trong tương lai không?
3. Mô hình huấn luyện nhân viên FUEL
Mô hình huấn luyện nhân viên FUEL khá giống với GROW về nhiều mặt. Tuy nhiên, nhà quản lý có thể cân nhắc sử dụng FUEL trong trường hợp phát triển một kỹ năng cụ thể, hoặc nâng cao hiệu suất. Mô hình này xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách The Extraordinary Coach, của John Zenger and Kathleen Stinnett. Bạn có thể ứng dụng theo 4 bước:
Frame: Xác định mục tiêu, phạm vi và kế hoạch cụ thể.
Understand: Sử dụng kỹ năng đặt câu hỏi để giúp nhân viên tự nhận thức về năng lực và tình trạng của bản thân.
Explore: Thảo luận các giải pháp để đạt mục tiêu.
Lay the Path: Đề ra các bước cụ thể và xây dựng kế hoạch thực hiện.
4. Mô hình huấn luyện nhân viên CLEAR
Phương pháp huấn luyện CLEAR được cho là xuất hiện từ những năm 80, bởi Peter Hawkings. Mô hình này đã được áp dụng thành công trong nhiều lĩnh vực bao gồm lĩnh vực kinh doanh, quản lý, giáo dục và phát triển cá nhân. Nó tập trung hướng dẫn nhà quản lý dẫn dắt một cuộc huấn luyện hiệu quả với 5 bước:
Contract: Nhà quản lý và nhân viên cùng nhau xác định mục tiêu cụ thể và kế hoạch để đạt được mục tiêu đó.
Listen: Trong giai đoạn này, quản lý cần lắng nghe trọn vẹn và tích cực, nhằm thu thập thông tin mà nhân viên truyền tải.
Explore: Hãy đặt câu hỏi để nhân viên chia sẻ thêm về khó khăn của họ.
Action: Chốt phương án hành động. Lưu ý, hãy để nhân viên chủ động chốt để gia tăng cam kết thực hiện.
Review: Trong các cuộc huấn luyện tiếp theo, hãy đánh giá và xem lại sự tiến bộ của nhân viên, dựa trên kết quả mà họ đạt được.
5. Phương pháp huấn luyện nhân viên ACHIEVE
Mô hình này còn được gọi là 7 bước huấn luyện hiệu quả, được thiết kế bởi Fiona Eldridge, Sabine Dembkowski và Ian Hunter. Nó được cải tiến dựa trên mô hình GROW trong coaching, xuất hiện lần đầu tiên trong cuốn sách The 7 Steps of Effective Executive Coaching. 7 bước này bao gồm:
Assess – Đánh giá: Đánh giá tình trạng hiện tại của nhân viên. Đâu là những khó khăn, trở ngại khiến họ không phát triển.
Creative brainstorming – Khởi tạo ý tưởng: Khuyến khích nhân viên đưa ra giải pháp. Lưu ý, đừng đánh giá hay phán xét, hãy để họ tự do sáng tạo.
Hone in – Rèn luyện: Thu hẹp phạm vi giải pháp dựa trên mục tiêu công việc.
Initiate options – Chọn lọc: Yêu cầu nhân viên chọn ra 3 phương án mà họ cho là tốt nhất.
Evaluate options – Đánh giá phương án: Hãy đưa ra những lời khuyên, kinh nghiệm của bạn, nhằm giúp nhân viên chọn ra phương án cuối cùng.
Valid action plan – Kế hoạch thực hiện: Vạch ra các chi tiết của kế hoạch, bao gồm thời hạn và các bước hành động cụ thể.
Encourage momentum – Tạo động lực: Nhà quản lý cần thể hiện sự tin tưởng vào nhân viên, nhằm giúp họ gia tăng cam kết thực hiện.
Lưu ý chung khi sử dụng các mô hình huấn luyện.
Đầu tiên, nhà quản lý cần chắc chắn rằng nhân viên của bạn sẵn sàng và có mong muốn phát triển bản thân. Tương tự như một chai nước, nếu không được mở nắp, mọi nỗ lực của bạn nhằm rót nước đều vô dụng. Vì vậy, huấn luyện cần có sự hợp tác giữa 2 bên.
Lưu ý thứ 2, nhà quản lý cần ghi chép lại kết quả của các cuộc coaching, để đo lường hiệu quả huấn luyện (ROI). Chỉ số này sẽ cơ sở để bạn điều chỉnh các kế hoạch huấn luyện trong tương lai. Đồng thời, chứng minh kết quả huấn luyện tác động đến hiệu suất và năng lực của nhân viên.
Tổng kết.
Trên đây là 5 mô hình huấn luyện, được ứng dụng rộng rãi trên toàn cầu. Để lựa chọn phương pháp phù hợp nhất với bản thân, nhà quản lý cần trải nghiệm và rèn luyện thường xuyên.
Bạn có thể tham khảo thêm các tips huấn luyện hiệu quả tại đây.