BLOOM – THANG ĐO 6 CẤP ĐỘ ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC NHÂN VIÊN

Làm cách nào để nhà quản lý đánh giá chính xác năng lực của nhân viên sau các hoạt động đào tạo? Dựa vào đâu để biết nên tiếp tục phát triển nhân viên bằng hình thức nào?  Tùy vào từng mục đích, nhà quản lý có thể sử dụng các phương pháp khác nhau để “Giáo dục, Đào tạo hay Huấn luyện” nhân viên. 

Nếu “Giáo dục” đáp ứng mục đích ghi nhớ kiến thức thì đào tạo giúp nhân viên hiểu và làm được; còn huấn luyện thì tạo điều kiện cho nhân viên có thể phân tích đánh giá. 

Trong bài viết này, chúng ta sẽ  tìm hiểu về “Thang Bloom – Đánh giá 6 cấp độ năng lực” để có thể vận dụng cho các hoạt động đào tạo – phát triển tại doanh nghiệp. 

1. Ghi nhớ (Remembering)

hình miêu ta cấp độ 1
Cấp độ đầu tiên trong thang đo Bloom là Ghi nhớ.

Với cấu trúc hình tháp gồm 6 cấp độ, “Ghi nhớ” là cấp thấp nhất với độ rộng lớn nhất, nhằm ám chỉ đây là mức độ cơ bản và hầu như bất kỳ ai cũng có thể đạt được cấp độ này. Hay nói cách khác, ghi nhớ là khi nhân viên có thể lập lại kiến thức một cách máy móc, rập khuôn và có tính nhắc lại. 

Để xác định khả năng ghi nhớ, các nhà quản lý có thể sử dụng các câu hỏi về thời gian, gợi nhớ, lý thuyết,… và đánh giá dựa trên các đáp án chính xác.

2. Hiểu biết (Understanding)

hình miêu ta cấp độ 2
“Hiểu biết” là khả năng giải thích hoặc làm sáng tỏ vấn đề.

Đã “nhớ” thì tất nhiên không thể thiếu phần “hiểu”. “Hiểu biết” là khả năng giải thích hoặc làm sáng tỏ vấn đề. Ở mức độ nhận thức này, nhân viên đã có thể diễn giải các nội dung mà nhà quản lý đưa ra, từ đó suy luận, cho ví dụ hoặc so sánh chúng. 

Để đánh giá, hãy yêu cầu nhân viên so sánh, phân tích, liên hệ dựa trên công việc của họ. Tất nhiên, chỉ khi họ đã thực sự nắm bắt kiến thức thì mới trả lời được những câu hỏi này.

3. Áp dụng (Applying)

hình miêu ta cấp độ 3
Cấp độ 3 trên thang đo Bloom là Áp dụng.

Cấp độ tiếp theo của thang đo Bloom là “Áp dụng”. Hiểu đơn giản là khi có thể sử dụng các thông tin cũng như kỹ năng đã học vào một trường hợp cụ thể trong thực tế. Khi đạt đến cấp độ này, nhân viên đã có thể lựa chọn tốt các phương án để giải quyết, vận dụng các phương án đó vào thực tiễn.

Như vậy, để đánh giá cấp độ áp dụng, hãy tổ chức các hoạt động nhóm hoặc cá nhân, sau đó giao các nhiệm vụ liên quan đến kiến thức bất kỳ mà nhân viên đã học, từ đó đưa ra nhận định đánh giá dựa trên thành quả mà họ làm được. 

Hiểu biết và Áp dụng cũng chính là kết quả cuối cùng của quá trình đào tạo nhân viên. Nhà quản lý cần phải xây dựng chương trình đào tạo chuyên nghiệp để nhân viên hoàn thành tốt nhất sau khi sử dụng phương pháp này.

4. Phân tích (Analyzing)

hình miêu ta cấp độ 4
Tiến tới cấp độ 4 – “Phân tích”, là tiến tới mức độ nâng cao trong thang đo Bloom.

Tiến tới cấp độ 4 – “Phân tích”, là tiến tới mức độ nâng cao trong thang đo Bloom. Ở mức độ này, yêu cầu đặt ra cho nhân viên sẽ cao hơn khi họ phải biết chia nhỏ các nội dung đã học và đòi hỏi khả năng phân biệt, phát hiện chi tiết, từ đó chỉ ra các yếu tố, các mối liên hệ, các nguyên tắc cấu trúc của chúng. 

Đây chính là cấp độ tiền đề và là cơ sở quan trọng để nhân viên tổng hợp hoặc phê phán, từ đó đi tới sáng tạo cái mới. Khi nhân viên có thể tự trả lời các câu hỏi về so sánh, đối chiếu hoặc chỉ ra được sự khác biệt thì chúc mừng bạn, nhân viên của bạn đã hoàn thành cấp độ phân tích. 

5. Đánh giá (Evaluating)

hình miêu ra cấp độ 5
“Đánh giá” là khả năng xây dựng giá trị, đưa ra các nhận xét về một vấn đề/nội dung.

“Đánh giá” là khả năng xây dựng giá trị, đưa ra các nhận xét hay – dở, tốt – xấu, tiến bộ – lạc hậu , phù hợp – không phù hợp,… của một nội dung. Đây là mức độ cao thể hiện nhận thức của nhân viên bởi kết quả đánh giá sẽ phản ánh quan điểm, hiểu biết của họ qua một vấn đề.

Các nhà quản lý cần đưa ra một lượng lớn thông tin để kiểm tra nhân viên có thể xử lý, sắp xếp những thông tin đó một cách khoa học và logic hay không. Việc này cũng sẽ kích thích tư duy phê phán và hình thành năng lực tự đánh giá cho nhân viên.

6. Sáng tạo (Creating)

cấp độ 6 sáng tạo
Đây là mức độ cao nhất và cuối cùng của thang đo Bloom – đánh giá năng lực nhân viên.

Đây là mức độ cao nhất và cuối cùng của thang đo Bloom. Khi đạt được cấp độ này, nghĩa là nhân viên của bạn đã có khả năng sáng tạo cái mới trên cơ sở những điều đã học trong quá trình đào tạo.

“Sáng tạo” luôn là điều cần thiết trong cuộc sống lẫn công việc. Chính vì vậy,  kích thích và tạo động lực cho nhân viên phát huy sức sáng tạo sẽ đem đến hiệu quả phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

Với cấp độ này, nhà quản lý có thể đánh giá dựa trên các nhiệm vụ như: lập kế hoạch, đề xuất ý kiến, tổng hợp nội dung,…

Bộ ba cấp độ cuối cùng của “thang đo Bloom” cũng chính là mục tiêu mà phương pháp Huấn luyện trong doanh nghiệp hướng tới. 

Tham khảo bài viết HUẤN LUYỆN LÀ GÌ? TẠI SAO NHÀ QUẢN LÝ CẦN ĐẾN HUẤN LUYỆN?” để hoàn thiện hơn đội nhóm của bạn.

Kết luận về thang đo Bloom

Việc phát triển nhân viên sẽ không còn là vấn đề nếu nhà quản lý sở hữu phương pháp, kỹ năng đánh giá năng lực nhân viên phù hợp. “Thang đo Bloom” chính là một trong những công cụ hiệu quả nhất giúp nhà quản lý thực hiện hoạt động này.Nội dung được trích từ khóa Train The Trainer 3+ – Khoá đào tạo Giảng viên nội bộ thuộc bản quyền của Học viện Đào tạo VMP.