Tư duy bảo thủ – Tư duy cầu tiến, lựa chọn nào là hợp lý?

Khi gặp trở ngại trong công việc, cách thức phản ứng của Nhân sự được cho rằng là phụ thuộc vào khả năng thích nghi và chịu đựng điều kiện khắt nghiệt. Một số khác cho rằng điều này lại phụ thuộc vào việc Nhân sự thuộc tư duy nào trong 02 loại sau: Tư duy bảo thủ (Fixed Mindset); Tư duy cầu tiến (Growth Mindset). Đặc trưng cơ bản của tư duy bảo thủ là chỉ tin vào năng lực bẩm sinh. Ngược lại, tư duy cầu tiến tin tưởng vào việc phát triển năng lực có thể thông qua quá trình nỗ lực luyện tập. Theo Giáo sư Carol Dweck của đại học Stanford, 02 loại tư duy này ảnh hưởng mạnh mẽ đến thái độ học tập. Từ đó, tư duy ảnh hưởng đến động lực và liên quan trực tiếp đến khả năng thành công trong sự nghiệp.

Trong bài viết này, chúng tôi cung cấp cho Anh/Chị Phụ trách Đào tạo 01 góc nhìn tổng quan về 02 loại tư duy và được trình bày theo trình tự sau:

  • Tư duy cầu tiến là gì?
  • Tư duy bảo thủ là gì?
  • Ảnh hưởng của từng loại tư duy đến quá trình tuyển dụng
  • Ảnh hưởng của từng loại tư duy đến phong cách quản lý của Quản lý cấp trung
  • Tư duy nào là lựa chọn tốt hơn?

Tư duy cầu tiến là gì?

Tư duy cầu tiến là gì?
Tư duy cầu tiến là gì?

Tư duy cầu tiến là hệ thống niềm tin cho rằng tài năng và trí tuệ có thể được thay đổi, phát triển theo thời gian. Người có loại tư duy này tin rằng nỗ lực là yếu tố quyết định và quan trọng nhất cho sự thành công. Đối với những người này, thất bại là hiện tượng bình thường khi chưa sở hữu kỹ năng nào đó. Những khó khăn được họ xem như cơ hội để học tập và phát triển.

Tư duy bảo thủ là gì?

Tư duy bảo thủ là gì?
Tư duy bảo thủ là gì?

Tư duy bảo thủ là hệ thống niềm tin cho rằng con người sinh ra với tài năng và trí tuệ với cấp độ đã định sẵn. Những nhân viên với tư duy bảo thủ nhận định rằng sự thất bại nghĩa là không có “tố chất bẩm sinh”. Ví dụ: sau khi nhân viên thất bại vài lần, họ khẳng định rằng thuyết trình trước đám đông không dành cho bản thân.

Ảnh hưởng của từng loại tư duy đến quá trình tuyển dụng

  • Tư duy cầu tiến: Nhà tuyển dụng với loại tư duy này thường tìm kiếm và chọn lựa các ứng viên có khao khát lớn về việc học hỏi, luyện tập.
  • Tư duy bảo thủ: Nhà tuyển dụng với loại tư duy này thường tin tưởng các ứng viên có sự bảo chứng từ bằng cấp, chứng chỉ và chỉ tin vào hệ thống kỹ năng hiện tại. Các nhà tuyển dụng này chỉ chọn những ứng viên 100% sẵn sàng cho vị trí ứng tuyển mà không cần phát triển gì thêm. Theo đó, nền tảng kinh nghiệm (background) của ứng viên là chìa khóa quyết định.

Ảnh hưởng của từng loại tư duy đến phong cách quản lý

  • Tư duy cầu tiến: Quản lý có loại tư duy này thường cho Nhân viên cơ hội, thời gian để trưởng thành và phát triển. Họ biểu dương sự nỗ lực của Nhân viên. Ngoài ra, họ luôn là người cố vấn đúng lúc để hỗ trợ Nhân viên phát triển từng bước.
  • Tư duy bảo thủ: Quản lý có loại tư duy này thường chỉ quan tâm đến hiệu quả công việc của Nhân viên. Sự biểu dương xuất hiện khi và chỉ khi có thành quả rõ ràng.

Lựa chọn tư duy hợp lý – đâu là lựa chọn tốt hơn?

Việc phát triển tư duy cầu tiến ở doanh nghiệp thường đem đến kết quả tích cực khi gia tăng hiệu suất làm việc của Nhân viên. Ngoài ra, tư duy cầu tiến giúp Nhân viên có động lực cao khi làm việc và phối hợp tốt với đồng đội. Trong môi trường tư duy cầu tiến, nhân viên độc lập và có trách nhiệm hơn với công việc hàng ngày. Theo đó, Nhân viên sẽ cảm thấy gắn kết hơn với đội nhóm. Nhận thấy những lợi ích này, các doanh nghiệp lớn (như Microsoft) đang phát triển văn hóa tư duy cầu tiến.

Ở các môi trường tư duy bảo thủ, Nhân viên thường cảm thấy “thiếu an toàn” và “bị đe dọa” khi có bất kỳ sự cố nào phát sinh trong quá trình làm việc. Tại đây, thất bại không bao giờ được tha thứ. Tuy nhiên, với các ngành nghề đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối thì tư duy bảo thủ lại là lựa chọn tối ưu. Lý do là bất cứ sai sót nào cũng có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Tóm lại, Anh/Chị Phụ trách Đào tạo cần xem xét môi trường làm việc, ngành nghề, chiến lược trong ngắn-trung-dài hạn mà Lựa chọn tư duy hợp lý để phát triển tại doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu Anh/Chị đang tìm kiếm thêm giải pháp cải thiện hiệu quả huấn luyện và phản hồi Nhân viên, tham khảo tại: