Khen ngợi nhân viên là một trong những cách thúc đẩy động lực làm việc hiệu quả. Khen ngợi đúng cách sẽ giúp nhân viên tăng cao sự tự tin, thúc đẩy mong muốn làm việc và gắn bó với tổ chức. Làm cách nào để quản lý khen ngợi nhân viên hiệu quả?
Ở bài viết này, Coaching Skills sẽ cung cấp đến bạn 04 bước khen ngợi, ghi nhận nhân viên. Nội dung trích từ khóa Coaching Skills For Manager. Khám phá ngay!
Nội dung bài viết:
Lợi ích của việc khen ngợi nhân viên
Đầu tiên, khen ngợi đúng cách giúp giữ chân nhân tài. Việc tiếp động lực cho nhân viên mỗi ngày bằng cách khen ngợi họ sẽ là liều thuốc tinh thần tốt nhất. Bên cạnh lương thưởng, nhân viên luôn quan tâm đến môi trường làm việc. Họ sẽ tự tin cống hiến hết mình khi ở trong một môi trường họ được công nhận trên mỗi đóng góp cho tổ chức. Đồng thời, họ cũng muốn gắn bó lâu dài vì cảm thấy bản thân mang lại nhiều giá trị cho công ty.

Thứ hai, khen ngợi giúp gia tăng gắn kết giữa quản lý và nhân viên. Khi được khen ngợi, nhân viên cảm thấy được tôn trọng và tin tưởng. Họ hiểu rằng cấp trên đã luôn dõi theo và công nhận những nỗ lực của họ. Do đó, niềm tin đối với cấp trên cũng dần được hình thành và tạo sự gắn kết. Theo phân tích tổng hợp từ Gallup, các công ty có mức độ tương tác giữa quản lý và nhân viên sẽ có mức lợi nhuận cao hơn 21% so với các công ty khác.
Cuối cùng, khen ngợi tạo ra một môi trường làm việc tích cực. Khen ngợi đúng cách khiến nhân viên vui vẻ. Nhân viên là tế bào của tổ chức. Nếu mỗi tế bào đều vui vẻ sẽ tạo nên một tổ chức khỏe mạnh. Tổ chức khỏe mạnh dĩ nhiên sẽ phát triển nhanh và gặt hái được nhiều thành quả. Dưới đây là 04 bước khen ngợi nhân viên:
1. Đưa ra lời ghi nhận
Trong kỹ thuật phản hồi Hamburger, việc đầu tiên nhà quản lý cần làm đó là ghi nhận những việc nhân viên đã làm được. Tùy vào mức độ thân thiết, lời ghi nhận có thể dài hoặc ngắn gọn. Trong trường hợp nhân viên chưa có sự tin tưởng nhiều đối với quản lý thì lời ghi nhận càng nhiều, càng chân thành càng tốt.
Một số mẫu câu ghi nhận bạn có thể tham khảo:
- Trong thời gian qua em đã làm rất tốt. Anh/Chị có lời ghi nhận về đóng góp của em.
- Anh/chị ghi nhận em vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Anh/chị có thể thấy em đã nỗ lực như thế nào để đạt được kết quả này. Công việc tuyệt vời!
- Công việc gần đây rất bận rộn nhưng em đã giải quyết công việc rất linh hoạt, hiệu quả. Anh/Chị có sự ghi nhận cho nỗ lực này.
2. Nêu tên hành động cụ thể

Trong kỹ thuật phản hồi AID, A là viết tắt của Action tức nêu hành động cụ thể mà nhân viên đã làm tốt. Lời khen ngợi nhân viên đúng là chỉ điểm cụ thể hành động mà nhân viên đó đạt được thay vì khen một cách chung chung.
Việc khen ngợi trên hành động cụ thể mang lại 03 lợi ích sau: Một là giúp nhân viên nắm được việc mình đã làm tốt và cần tiếp tục duy trì. Hai là khen đúng vào hành động giúp nhân viên cảm thấy được ghi nhận trên công việc đó. Ba là giúp nhân viên không rơi vào hoang mang vì biết sếp đang khen về một hành động cụ thể.
Ví dụ, bạn có thể khen như sau: Về việc báo cáo quý vừa rồi, anh/chị có lời khen vì em đã làm rất tốt. Việc trình bày cụ thể từng hạng mục khiến báo cáo rõ ràng hơn, người đọc cũng dễ dàng nhìn được sự thay đổi của các con số.
3. Nêu tác động của hành động đối với tổ chức
Sau khi nêu tên hành động, bạn nêu tác động của hành động đó đối với tổ chức. Vì đây là lời khen, nên bạn tập trung nêu ra những tác động tích cực. Việc này sẽ giúp nhân viên hiểu được khi bản thân đạt kết quả tốt sẽ đóng góp được giá trị cho tổ chức. Họ sẽ nhận ra rằng mình thực sự thuộc về công ty và nỗ lực cống hiến hơn.
Tiếp nối ví dụ nêu trên, bạn có thể nêu tác động của việc báo cáo như sau: Việc em báo cáo tốt như vậy giúp công ty có nền tảng để hoạch định chiến lược cho quý tới được tốt hơn. Việc này cũng giúp chúng ta dễ dàng tìm ra các lỗ hổng cần được khắc phục trong thời gian tới.
4. Nêu cảm giác của bạn
Sau khi đã khen về hành động của nhân viên, hãy nêu cảm nhận của bạn về hành động đó, việc này sẽ giúp nhân viên cảm thấy được cấp trên ghi nhận chân thành. Trong kỹ thuật phản hồi KFDB cũng có F – Feel nêu lên cảm xúc của bản thân. Theo đó, quản lý sẽ nói lên cảm xúc của bản thân sau khi thấy nhân viên làm tốt.

Vì là lời khen, hãy cố gắng thể hiện niềm vui, hạnh phúc và tự hào khi nhân viên có tiến triển tích cực. Bạn có thể nêu cảm xúc của bản thân như sau: Anh/chị cảm thấy rất vui và tự hào về em. Cố gắng phát huy trong những lần tới nhé!
Thông thường các quản lý chỉ dừng lại ở bước số 3 và bỏ qua bước nêu cảm nhận của bản thân. Từ phía nhân viên, họ cũng mong muốn được biết cảm nghĩ của sếp về kết quả của mình. Việc nói thêm về cảm giác của bạn sẽ tăng thêm cảm xúc cho nhân viên khi được khen. Họ sẽ vui mừng khi thấy sếp cảm thấy tự hào về mình.
Lưu ý để khen ngợi nhân viên hiệu quả
Khen ngợi công khai. Đây là điều rất quan trọng, khi khen trước mặt mọi người, nhân viên sẽ cảm thấy được tôn trọng gấp nhiều lần. Điều này sẽ tạo ra một cảm giác thăng hoa cho nhân viên, và còn giúp tạo ra một văn hóa động viên và tôn trọng lẫn nhau trong công ty.

Khen ngợi thường xuyên. Tại khóa Coaching Skills For Manager, không ít anh chị học viên là quản lý từng thừa nhận mình quên khen nhân viên. Mặc dù có ghi nhận nhưng không nói thành lời. Việc khen ngợi thường xuyên giúp nâng cao động lực cho nhân viên, khi họ biết mình đang làm tốt và cố gắng phát huy. Vã hãy cố gắng khen ngợi đúng thời điểm nữa nhé!
Khen ngợi dù là cố gắng nhỏ. Việc ghi nhận những cải tiến dù nhỏ trong công việc của nhân viên cũng thể hiện sự quan tâm của bạn đối với họ. Liên tục ghi nhận sự cố gắng thay vì đợi nhân viên có kết quả mới khen ngợi. Việc khen từ những thứ nhỏ cũng giúp nhân viên có thêm động lực để thực hiện những bước vọt lớn lao hơn, kết quả cũng vì thế mà bùng nổ. Để tránh bị coi là thảo mai, quản lý cần lưu ý đưa ra lời khen đúng và hợp lý. Không tâng bốc quá đà và không lạm dụng lời khen.
Tạm kết về cách khen ngợi nhân viên hiệu quả
Trên đây là các bước khen ngợi và lưu ý để khen ngợi nhân viên. Tin rằng những liệt kê này giúp ích được đến công việc của bạn. Nội dung được trích từ khóa Coaching Skills For Manager – Giải pháp bền vững cho quản lý.
Follow Coaching Skills để cập nhật thêm các bài viết mới nhất về huấn luyện, phát triển nhân viên bạn nhé!