MÔ HÌNH VAK_AD GIÚP PHÁT TRIỂN NHÂN VIÊN HIỆU QUẢ | Tips Huấn Luyện

Trong môi trường doanh nghiệp, nơi mà mỗi nhân viên phải liên tục cập nhật và tiếp nhận kiến thức mới. Thì nhiệm vụ ưu tiên của nhà quản lý chính là tìm ra phương pháp học tập hiệu quả và phù hợp với mỗi nhân viên của mình.

Và đến với bài viết hôm nay, Coaching Skills sẽ giới thiệu đến bạn “Mô hình VAK_AD giúp nhân viên phát triển một cách hiệu quả. 

Mô hình VAK_AD là gì?

Theo các nhà khoa học và tâm lý học thì mỗi cá nhân đều có cách tiếp nhận, xử lý và ghi nhớ thông tin theo những hình thức riêng biệt. Sau này, dựa trên công trình của Neil Fleming, người ta đã phát triển mô hình VAK_AD bao gồm 4 nhóm người học chính:

  • Visual: Người học trực quan – học tập thông qua hình ảnh
  • Auditory: Người học thính giác – học tập thông qua âm thanh
  • Kinaesthetic: Người học vận động  – học tập thông qua trải nghiệm
  • Auditory Digital: Người học nội tâm – học tập thông qua phân tích

Dựa vào bốn nhóm học tập chủ đạo trên, các nhà quản lý hoàn toàn có thể tùy chỉnh cách cung cấp thông tin để phù hợp với phong cách học tập đặc trưng của mỗi nhân viên. Và bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về bốn nhóm người này.

Nhóm người học trực quan (Visual)

Theo mô hình VAK_AD, nhóm người học trực quan sẽ dễ dàng tiếp nhận thông tin bằng cách nhìn thấy hoặc hình dung nó. Họ có xu hướng làm mọi việc nhanh hơn dù đó có là hành động hay giao tiếp,.. Tuy nhiên, nhóm này thường hay gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và cảm thấy buồn chán bởi những lời dẫn dài dòng. 

Có một vài đặc điểm để nhà quản lý dễ dàng nhận diện nhóm người học trực quan đó là:

  • Họ có xu hướng đứng, ngồi ở mép ghế với tư thế thẳng và mắt hay nhìn lên phía trên
  • Thường có phong cách gọn gàng, ngăn nắp
  • Thường xuyên sử dụng ngôn ngữ hình thể mỗi khi giao tiếp
  • Họ đặc biệt quan tâm đến ngoại hình, diện mạo
  • Ngôn từ mang tính chắc chắn: Tôi tin tưởng, tôi tin rằng, Hãy cho tôi xem, quan điểm của tôi là,…

Nhà quản lý có thể đưa ra cách thức học tập hiệu quả cho nhóm người này với những cách sau. Thứ nhất: Cung cấp tài liệu có hình ảnh và biểu đồ minh họa trong quá trình đào tạo. Thứ hai: Nên sử dụng slide trực quan để giải thích khái niệm, quy trình. Thứ ba: Sắp xếp buổi học/training trong môi trường có bảng và màn hình hiển thị . 

Nhóm người học thính giác (Auditory)

Nhóm người học thính giác sẽ rất thích sử dụng âm thanh phù hợp trong quá trình học tập. Họ có xu hướng nhớ thông tin dựa trên những gì họ nghe. Người học thông qua thính giác sẽ có khả năng thuyết trình tốt, dễ phát triển mạnh trong các cuộc thảo luận và hội thảo. Thế nhưng nhóm người này cũng rất dễ bị phân tâm bởi các tiếng ồn xung quanh.

Đặc điểm nhận biết của nhóm người học thính giác chính là: Họ thường xuyên di chuyển mắt sang một bên, lặp lại mọi thứ một cách dễ dàng, thường hay quan tâm đến những gì người khác nói, tai thường hướng về nguồn âm thanh, thích âm nhạc và nói chuyện điện thoại,… 

Đối với nhóm người học thính giác ứng theo mô hình VAK_AD, các quản lý nên khuyến khích thảo luận và trao đổi ý kiến trong chương trình đào tạo. Nên sử dụng hình ảnh, âm thanh và video để minh họa các khái niệm. Đồng thời hãy đảm bảo môi trường học tập không bị tác bởi các tạp âm quá lớn. 

Nhóm người học vận động (Kinaesthetic)

Theo mô hình VAK_AD thì vận động và cảm xúc là hai thành tố chính của nhóm người học Kinaesthetic. Họ sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn khi tham gia thực hành và trải nghiệm. Và nhóm người này sẽ quan tâm đến chương trình của bạn nếu nó đem lại một cảm giác tốt. 

Đặc điểm nhận biết của nhóm người học thông qua vận động chính là:

  • Thường làm mọi thứ chậm chạp và có tone giọng trầm. 
  • Có khả năng giải quyết vấn đề thực tế tốt
  • Giỏi các hoạt động thể chất
  • Dễ gặp khó khăn với các chủ đề quá trừu tượng và mang tính khái niệm
  • Có xu hướng chạm hoặc tiến về phía người cùng giao tiếp
  • Ngôn từ mang đậm tính chất cảm giác, cảm xúc

Ứng theo mô hình phát triển nhân viên VAK_AD, thì nhà quản lý cần phải tổ chức các hoạt động như: mô phỏng tình huống thực tế, cho học viên đóng vai,..

Đồng thời, nên tạo ra không gian học tập rộng rãi và áp dụng phương pháp Pomodoro trong suốt quá trình học tập/training đối với nhóm người học vận động. 

Nhóm người học nội tâm (Auditory Digital)

Đây là nhóm người học ưa thích việc lập luận, phân tích vấn đề một cách chi tiết. Nhóm người học này thường dành thời gian để nói chuyện với nội tâm của bản thân và ghi nhớ thông tin theo trình tự các bước. Tuy nhiên, nhóm người học nội tâm đôi khi cũng thể hiện các đặc điểm của các nhóm khác. 

Điểm nhận dạng của nhóm người học này trong mô hình VAK_AD chính là mắt hay nhìn xuống dưới, và thường sử dụng ngôn từ như: Tôi nghĩ, kết quả có vẻ là, theo phân tích thì, kế hoạch của tôi là,…

Để nhóm người này học tập hiệu quả, thì cần cung cấp cho họ tài liệu có tính logic cao, lý thuyết rõ ràng. Và khuyến khích thảo luận, đặt ra câu hỏi logic để họ khám phá thông tin. Đồng thời phải sử dụng các lời nói chính xác trong quá trình giảng dạy.

Tạm kết về mô hình VAK_AD

Bài viết đã phân tích và đưa ra những đặc điểm để nhận diện bốn nhóm học tập chính của mô hình VAK_AD trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng mỗi người có thể kết hợp nhiều phong cách học tập. Do đó, nhà quản lý tốt nhất là nên cung cấp một môi trường học tập đa dạng và điều chỉnh phương pháp học tập một cách linh hoạt.


Bài viết thuộc chuỗi Tips Huấn Luyện. Theo dõi Coaching Skills để cập nhật thêm các bài viết mới nhất về chủ đề này nhé!