Con người, cuộc sống, vạn vật chung quanh… chúng ta đều chịu ảnh hưởng của những yếu tố bên ngoài: có yếu tố trong tầm điều khiển của mình; có yếu tố ngoài sự điều khiển của mình. Vì thế ta có câu tục ngữ “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Tuy nhiên, nếu hạt được ươm tốt, được chăm sóc cẩn thận, bón phân thường xuyên, tưới nước và tỉa tót thường xuyên thì cây sẽ khỏe, sức bền sức chịu đựng dông bão và thử thách sẽ cao. Cây càng vươn thẳng, xum xuê, đâm chồi… nảy lộc.
Cá nhân tôi đã đi hơn nữa chặng của cuộc đời. Hôm nay ngồi tính sổ và viết ra thì thấy mình cũng đã và đang trải qua nhiều vấp ngã, thất bại. Trong học hành, sự nghiệp, quan hệ… và cứ mỗi lần vấp thì thấm đau… có lúc đau quá chỉ muốn trùm mền lại cho mình đắm chìm trong nỗi đau đó, cho quên cái cuộc đời tình người “bạc bẽo” này. Có lúc lê lết, đi tiếp, chạy và bay được và những nỗi đau đó đã trở thành dĩ vãng… những vết trày sướt được ghi khắt thành những bài học hay.
Sự thật không có thành công siêu tốc, khởi nghiệp tỉ đô la qua một ý tưởng- một đêm, đại văn hào qua một tác phẩm. Sự thật là bạn phải hành động, trải nghiệm, tích lũy, liên tục vấp ngã, đứng lên, học hỏi… đó là những nấc thang bước đến thành công. Anh Travis Kalanick trước khi gặt hái thành công Uber, cũng sáng lập 2 công ty đầy tâm huyết…tưởng chừng thành công nhưng bị thưa kiện và phải tuyên bố phá sản. Hàng loạt sản phẩm của Apple thất bại: Apple Lisa, Apple III, Apple Mackintosh, Apple G4, Apple e-Mate… để có ngày gặt hái thành công của Mac và iphone. Cái list rất dài…
Dù biết có khi thời tiết không thuận lợi, hạn hán hay mưa bão… , nhưng chúng ta đừng bao giờ ngừng gieo hạt, ươm cây, trồng cây và KHÔNG NGỪNG chăm sóc cây. Vì nếu ta không gieo… thì sẽ không bao giờ có quả.
…
Khái niệm GROW (gieo, trồng, tăng trưởng) được ông John Withmore sáng tạo. Tôi thấy khái niệm này rất dễ nhớ, không phức tạp hóa vấn đề và hiệu quả nên tôi đã thiết kế và vẽ theo ý tưởng model hình cái cây vì cây tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc và tăng trưởng.
Tất cả cá nhân, doanh nghiệp hay tập đoàn đều có thể dùng GROW model cho phát triển bản thân, doanh nghiệp, quản lý đào tạo và coach nhân viên.
Bạn dùng những câu hỏi sau đây để hỏi chính mình, hay hỏi nhân viên, học trò mà mình coach. Cách áp dụng:
1. G (Goal) : MỤC TIÊU
Mục tiêu năm 2017 của bạn là gì?
Bạn muốn đạt được điều gì?
Làm sao đo được khi bạn đạt điều đó? Thước đo là gì?
2. R (Reality): THỰC TRẠNG
Thực trạng bạn là gì?
Bạn đánh giá thực trạng của bạn ra sao?
Mục tiêu này có mâu thuẫn với những cái gì khác?
3. O (Obstacles & Options): TRỞ NGẠI&CHỌN LỰA
Khó khăn trở ngại hạn chế của bạn/ tình hình là gì?
Nếu những hạn chế được giải phóng, tình hình sẽ thay đổi như thế nào?
Bạn có sự chọn lựa nào?
Bạn có những sự hỗ trợ nào?
Bạn nên ngưng làm điều gì? Giảm làm điều gì? Làm thật nhiều hơn điều gì để đạt mục tiêu?
4. W (Way forward): TIẾN LÊN PHÍA TRƯỚC
Cách tiến lên phía trước của bạn như thế nào?
Bạn sẽ có chương trình hành động ra sao?
Cách bạn đương đầu với khó khăn trở ngại là gì?
Làm sao bạn tạo động lực cho mình để tiếp tục chương trình hành động?
Khi nào thì bạn kiểm tra tiến độ của mình? ( ngày, tháng, quý…)
Bạn hãy viết xuống câu trả lời hay suy nghĩ của bạn theo GROW model.
Nếu bạn chưa có câu trả lời thì cũng không sao. Hãy ngưng và quay lại với những câu hỏi này vào ngày hôm sau. Một khi bạn đã có một định hướng, một khái niệm rõ ràng hơn, thì bạn sẽ bắt đầu chương trình hành động để đạt được mục tiêu của mình dễ dàng hơn.
Hãy gieo hạt, ươm cây, trồng cây và KHÔNG NGỪNG chăm sóc cây.
Bài viết bởi Ms. Lan Bercu
Tác giả 36 Kế Trong Kinh Doanh Hiện Đại
Chủ tịch Lead Across Cultures International