Mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE được thiết kế để tạo ra trải nghiệm coaching linh hoạt hơn. Hiểu một cách đơn giản thì mô hình này đã được thiết kế như một khuôn khổ, để giúp quản lý đạt được kết quả huấn luyện bằng cách kết hợp giữa nhiều vòng phản hồi và các câu hỏi mở.
Vậy mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE là gì? Làm sao để nhà quản lý ứng dụng mô hình này hiệu quả? Cùng tìm hiểu tất cả tại bài viết này nhé!
Nội dung bài viết:
Mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE là gì?
Mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE được phát triển bởi Dembkowski , S và Eldridge , F vào năm 2003. Mô hình này là một quy trình gồm 7 bước, được phát triển dựa trên GROW model, cụ thể gồm: Assess the Current Situation; Creative Brainstorming; Hone Goals; Initiate Options; Evaluate Option; Valid Action Programme Design; Encourage Momentum.
Mô hình ACHIEVE cung cấp một cấu trúc rõ ràng, dễ hiểu, điều này giúp quản lý dễ dàng hướng dẫn nhân viên đạt được mục tiêu của họ. Bên cạnh đó, mô hình này sẽ là một lựa chọn lý tưởng khi quản lý muốn đảm bảo quá trình Coaching được thực hiện một cách chất lượng và đạt được kết quả mong muốn.
Tóm lại về mô hình coaching nhân viên ACHIEVE:
- Là quy trình gồm 7 bước được phát triển dựa trên mô hình GROW
- Là mô hình giúp tạo ra trải nghiệm huấn luyện linh hoạt hơn.
Ưu và nhược điểm của mô hình ACHIEVE
Một số ưu điểm nổi trội của mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE bao gồm: Thứ nhất là cho phép nhân viên phân tích sâu sắc tình hình hiện tại, cũng như những hạn chế tại nơi làm việc. Thứ hai là mô hình coaching ACHIEVE giúp nhân viên tìm ra giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp. Thứ ba là giúp tổ chức tạo ra văn hóa học tập và phát triển liên tục.
Tuy nhiên, mô hình coaching này vẫn còn một số hạn chế nếu không được sử dụng đúng bối cảnh, ví dụ:
- Yêu cầu nhà quản lý phải có kỹ năng huấn luyện tốt như đặt câu hỏi mở, lắng nghe chủ động, truyền động lực,..
- Nhân viên không muốn hợp tác để thay đổi,
- Không có nhiều thời gian để thực hiện quá trình huấn luyện này,
- Việc thay đổi hành vi của nhân viên có thể mất nhiều thời gian và khó đo lường một cách chính xác.
Tóm lại, ưu và nhược điểm của mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE bao gồm:
- Ưu điểm: Giúp nhân viên phân tích sâu sắc tình hình hiện tại; sáng tạo giải pháp; tạo ra văn hóa học tập và phát triển liên tục.
- Nhược điểm: yêu cầu quản lý phải có kỹ năng huấn luyện tốt; cần sự hợp tác của nhân viên; mất nhiều thời gian; khó đo lường hiệu quả.
7 Bước thực hiện mô hình huấn luyện ACHIEVE
Bước 1: Assess the Current Situation (đánh giá hiện trạng): Ở giai đoạn đầu của mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE các quản lý cần sử dụng các câu hỏi mở để khám phá tình huống và vấn đề họ đang gặp phải. Đồng thời sử dụng kỹ năng lắng nghe tích cực để giúp nhân viên cởi mở chia sẻ.
Ví dụ:
- Chia sẻ cho tôi biết điều gì đang xảy ra trong công việc của bạn?
- Tình hình hiện tại là gì?
- Bạn đang đối mặt với những thách thức nào?
Bước 2: Creative Brainstorming (Khởi tạo ý tưởng): Mở rộng quan điểm của nhân viên và khuyến khích họ sáng tạo các giải pháp để giải quyết vấn đề hiện tại. Và lưu ý rằng tuyệt đối không đánh giá bất kỳ ý tưởng nào được đưa ra từ họ.
Ví dụ:
- Nếu được làm lại, bạn sẽ xử lý tình huống này như thế nào?
- Theo bạn, chúng ta nên làm để cải thiện tình hình này?
Bước 3: Hone Goals (Hoàn thiện mục tiêu): Thảo luận về các mục tiêu tiềm năng mà nhân viên đang muốn hướng tới. Tuy nhiên, hãy đảm bảo mục tiêu được họ đưa ra phải SMART (Cụ thể, đo lường được, khả thi, liên quan, có thời hạn).
Ví dụ:
- Bạn muốn đạt được điều gì?
- Bạn đang hướng đến điều gì?
- Bạn sẽ đo lường sự tiến bộ của mình như thế nào?
Bước 4: Initiate Options (Chọn lọc giải pháp): Khi nhân viên đã biết mình muốn đạt được điều gì. Lúc này hãy đặt những câu hỏi giúp nhân viên chọn ra ba phương án tối ưu nhất có thể giúp họ đạt được mục tiêu.
Ví dụ như:
- Những lựa chọn nào có thể giúp bạn đạt được mục tiêu?
- Nếu có thêm thời gian, bạn sẽ đạt được mục tiêu như thế nào?
- Người khác có thể giúp bạn đạt được mục tiêu bằng cách nào?
Bước 5: Evaluate Option (Đánh giá giải pháp): Hỗ trợ nhân viên lựa chọn một phương án tối ưu nhất bằng cách lập danh sách ưu tiên. Lưu ý hãy cho nhân viên thời gian để xem xét và cân nhắc.
Và một số câu hỏi nhà quản lý có thể đặt ra ở bước này là:
- Lợi ích và rủi ro ở mỗi lựa chọn của bạn là gì?
- Phương án nào dễ thực hiện nhất?
- Cái nào bạn cảm thấy phù hợp nhất?
Bước 6: Valid Action Programme Design (Xây dựng kế hoạch thực hiện): Mục tiêu của bước này chính là đưa các phương án được lựa chọn vào thực tế. Hãy giúp nhân viên xây dựng kế hoạch chi tiết, bao gồm các bước thực hiện cụ thể và thời hạn.
Ví dụ:
- Bạn cần thực hiện những bước nào để đạt được mục tiêu?
- Bước đầu tiên bạn cần thực hiện là gì? Khi nào thì bạn bắt đầu thực hiện?
- Bạn sẽ theo dõi tiến trình của mình như thế nào?
Bước 7: Encourage Momentum (Tạo động lực): Quản lý và nhân viên nên bám theo các nhiệm vụ đã được xây dựng để dễ dàng biết được mục tiêu có đi đúng hướng hay không. Sự khuyến khích, ghi nhận ở mỗi giai đoạn là bước quan trọng để nhân viên cam kết và duy trì động lực.
Ví dụ:
- Bạn đã đạt được tiến bộ gì ở bước này?
- Bạn đang ở đâu trên kế hoạch phát triển của mình?
- Tôi có thể hỗ trợ gì cho bạn ở giai đoạn này?
Tạm kết về mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE
Trên đây là quy trình 07 bước của mô hình huấn luyện nhân viên ACHIEVE giúp quản lý mang lại trải nghiệm coaching tốt hơn cho nhân viên. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm nhiều mô hình coaching nhân viên khác tại đây!