02 Bí quyết nâng cao khả năng tiếp thu dành cho quản lý

mo-hinh-kha-nang-tiep-thu-bia

Khả năng tiếp thu là một trong những yếu tố cốt lõi quyết định sự thành công của các nhà quản lý. Nhờ đó, họ sẽ nắm bắt thông tin một cách nhanh chóng và linh hoạt ứng dụng kiến thức đó vào thực tiễn công việc. Bài viết này sẽ giới thiệu hai mô hình gia tăng khả năng tiếp thu dành cho quản lý. Khám phá ngay!

Nội dung thuộc Góc nhìn chuyên gia.

Khả năng tiếp thu (metacognition) là gì?

Khả năng tiếp thu (Metacognition) là năng lực tự nhận thức, đánh giá và điều chỉnh quá trình tư duy khi học tập hoặc giải quyết vấn đề. Đây là một kỹ năng quan trọng đối với các nhà quản lý, những người cần liên tục học hỏi các kỹ năng mới để thích ứng với sự thay đổi và dẫn dắt đội ngũ một cách hiệu quả.

Đối với nhà quản lý, metacognition mang lại những lợi ích như:

  • Tăng khả năng học hỏi kỹ năng mới: Hiểu rõ cách bản thân học tập giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp, từ đó tiếp thu nhanh và áp dụng tốt vào công việc.
  • Giải quyết vấn đề linh hoạt: Metacognition giúp bạn nhận diện các phương pháp không hiệu quả và điều chỉnh kịp thời, giúp giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
  • Cải thiện tư duy phản biện: Phân tích quá trình học tập giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, nâng cao tư duy phản biện.
  • Nâng cao trải nghiệm học tập: Cải thiện khả năng tiếp thu giúp bạn nhận thấy rõ sự tiến bộ, tạo động lực để nỗ lực hơn. Đồng thời, khám phá thêm những phương pháp học hiệu quả để giúp cho việc học tập trở nên thú vị hơn.

02 mô hình giúp quản lý Gia tăng khả năng tiếp thu:

Mô hình 3 giai đoạn (three-stage model)

mo-hinh-ba-buoc-gia-tang-kha-nang-tiep-thu
Mô hình 3 giai đoạn

Giai đoạn 1: Lập kế hoạch (Planning)

Trước khi học một kỹ năng mới, hãy xác định rõ mục tiêu và chiến lược học tập. Ví dụ, nếu học một kỹ năng quản lý mới, bạn cần lập kế hoạch chi tiết về những gì bạn muốn đạt được và chọn tài liệu phù hợp với nhu cầu hiện tại.

Các bước cụ thể bao gồm:

  • Xác định mục tiêu: Bạn mong muốn đạt được điều gì từ quá trình học tập này? Đảm bảo mục tiêu rõ ràng, cụ thể và tuân theo nguyên tắc SMART. Bạn cũng có thể áp dụng biểu đồ xương cá Ishikawa để lập kế hoạch học tập hiệu quả.
  • Chọn chiến lược học tập: Quyết định cách thức học của bạn là gì? Học qua tài liệu, tham gia khóa học, hay học từ kinh nghiệm thực tế?
  • Xác định tài nguyên: Những công cụ, tài liệu, hoặc sự trợ giúp nào có sẵn để hỗ trợ quá trình học của bạn?

Ví dụ: Quản lý đặt mục tiêu học cách giao việc rõ ràng cho từng thành viên trong nhóm nhằm giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa năng suất trong vòng 3 tháng. Người quản lý quyết định tham gia khóa học “Kỹ năng giao việc hiệu quả” và áp dụng ngay trong các cuộc họp hàng tuần.

Giai đoạn 2: Giám sát (Monitoring)

Trong quá trình học, hãy thường xuyên đánh giá xem bạn đã nắm vững nội dung chưa. Điều này giúp bạn điều chỉnh phương pháp học nếu cần thiết.

Các yếu tố cần giám sát:

  • Theo dõi sự hiểu biết: Bạn có thực sự hiểu những gì mình đang học không? Nếu không, hãy dừng lại để giải thích hoặc bổ sung tài liệu.
  • Điều chỉnh phương pháp học: Nếu phương pháp hiện tại không hiệu quả, hãy thử cách học khác. Ví dụ, nếu đọc sách không giúp bạn hiểu rõ, hãy chuyển sang học qua video hoặc thảo luận nhóm.
  • Theo dõi thời gian và tiến độ: Bạn có hoàn thành mục tiêu đúng hạn không? Nếu thấy chậm trễ, bạn cần điều chỉnh lịch trình học tập hoặc tập trung vào những phần quan trọng.

Ví dụ: Quản lý thử giao nhiệm vụ trong cuộc họp nhóm hàng tuần. Sau cuộc họp, quản lý theo dõi phản hồi từ nhân viên, xem họ có hiểu và hoàn thành đúng yêu cầu nhiệm vụ không. Nếu có sai sót hoặc sự nhầm lẫn, quản lý sẽ điều chỉnh cách giao việc cho phù hợp.

Giai đoạn 3: Đánh giá (Evaluation)

Sau khi hoàn tất quá trình học, hãy đánh giá kết quả và cách bạn đã áp dụng kỹ năng như thế nào ( tương ứng với đánh giá hiệu quả đào tạo level 3), từ đó rút ra bài học cho lần sau.

Các bước cụ thể bao gồm:

  • Đánh giá kết quả: Bạn đã đạt được mục tiêu đề ra ở giai đoạn lập kế hoạch chưa? Kỹ năng mới có giúp ích cho công việc?
  • Phân tích chiến lược học: Phương pháp và chiến lược học tập có hiệu quả không? Cần thay đổi điều gì cho lần học tiếp theo?
  • Rút kinh nghiệm cho tương lai: Bạn đã học được gì về phong cách học tập của mình và làm thế nào để cải thiện trong tương lai?

Ví dụ: Sau 3 tháng áp dụng kỹ năng giao việc, quản lý tổ chức cuộc họp phản hồi với nhân viên và nhận thấy hiệu quả nhóm đã được cải thiện. Tuy nhiên, một số nhân viên đề xuất sử dụng công cụ giao việc trực tuyến như Trello để dễ theo dõi hơn. Và quản lý quyết định tích hợp công cụ này vào quy trình làm việc.

 

Mô Hình PQ4R

mo-hinh-PQ4R-gia-tang-kha-nang-tiep-thu
Mô hình PQ4R

PQ4R là một phương pháp giúp các nhà quản lý nắm bắt kiến thức từ tài liệu chuyên sâu. Nó là viết tắt của:

Preview (Xem trước)

Giai đoạn này yêu cầu bạn đọc lướt qua tài liệu hoặc nội dung học để có cái nhìn tổng quan. Đây là bước quan trọng giúp bạn nắm được nội dung chính và xác định những phần cần tập trung hơn.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Xem qua tiêu đề, mục lục, hoặc các mục chính để có cái nhìn tổng quát về nội dung.
  • Lướt qua hình ảnh, biểu đồ, hoặc phần tóm tắt để hiểu rõ cấu trúc và trọng tâm của bài học.

Question (Đặt câu hỏi)

Sau khi có cái nhìn tổng quan, hãy đặt câu hỏi về những gì bạn sẽ học. Điều này giúp bạn tập trung vào các điểm quan trọng và tạo động lực để tìm câu trả lời.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Đặt câu hỏi về các chủ đề chính, chẳng hạn như: “Phần này giải thích điều gì?”, “Tại sao thông tin này quan trọng với công việc của tôi?”
  • Chuyển các tiêu đề và mục lớn thành câu hỏi để tìm câu trả lời trong phần đọc.

Read (Đọc)

Đây là giai đoạn bạn đọc chi tiết tài liệu, tập trung tìm câu trả lời cho những câu hỏi đã đặt ra trước đó. Đọc một cách cẩn thận để đảm bảo nắm bắt được thông tin cần thiết.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Đọc kỹ từng phần, tập trung vào những thông tin quan trọng và tìm câu trả lời.
  • Ghi chú lại các điểm chính hoặc thông tin quan trọng.

Reflect (Phản ánh)

Sau khi đọc, hãy suy ngẫm về những gì đã học, kết nối với kiến thức hiện có hoặc tình huống thực tế để hiểu sâu hơn và dễ dàng áp dụng.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Suy ngẫm về cách kiến thức mới này có thể liên quan đến công việc hoặc kinh nghiệm quản lý của bạn.
  • Đặt câu hỏi: “Làm sao mình có thể áp dụng kiến thức này vào tình huống cụ thể?”

Recite (Tóm tắt)

Tóm tắt lại những gì bạn đã học theo cách hiểu của riêng mình. Bước này giúp củng cố trí nhớ và kiểm tra xem bạn đã thực sự nắm rõ nội dung hay chưa.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Nói to hoặc viết ra tóm tắt về những gì bạn đã học, trả lời các câu hỏi đã đặt ra ở bước Question.
  • Giải thích lại nội dung với đồng nghiệp hoặc đồng đội để kiểm tra mức độ hiểu biết của mình.

Review (Xem lại)

Đây là bước cuối cùng, bạn xem lại tất cả những gì đã học để củng cố kiến thức và sửa chữa bất kỳ lỗi nào. Đảm bảo rằng bạn không bỏ sót thông tin quan trọng.

Các hoạt động trong giai đoạn này:

  • Đọc lại phần ghi chú hoặc tóm tắt để đảm bảo đã hiểu đúng.
  • Kiểm tra bạn đã trả lời đầy đủ các câu hỏi ở bước Question chưa.

 

Tạm kết về 2 mô hình gia tăng khả năng tiếp thu dành cho quản lý

Đây là 2 mô hình gia tăng khả năng tiếp thu dành cho quản lý. Tin rằng nó giúp ích đến quá trình phát triển bản thân và học tập của bạn. 

Nội dung thuộc Góc nhìn chuyên gia.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các khóa đào tạo nâng cao năng lực do VMP tổ chức gồm:

Các khóa nâng cao năng lực đào tạo:

PDT – Ứng dụng công nghệ thiết kế khóa học.

Train The Trainer 3+ – Đào tạo giảng viên nội bộ số 1 Đông Nam Á.

Các khóa nâng cao năng lực lãnh đạo: 

UMM – Đào tạo năng lực nền tảng cho quản lý cấp trung.

Coaching Skills For Manager – Kỹ năng huấn luyện kèm cặp nhân viên

Leading Emotional – Lãnh đạo đội nhóm bằng trí tuệ cảm xúc